Tin tức ẩm thực thẩm mỹ

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung có những món gì?

Các món ăn có trong mâm cỗ Tết miền Trung

 

Ở miền Bắc đón xuân bằng cành hoa đào, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành…thì miền Trung cũng náo nức đón xuân với cành mai vàng, bánh tét, nem chua, thịt giấm…

Miền Trung là khu vực có thời thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhất thường xuyên xảy ra khô hạn hay lũ lụt nên người dân ở nơi đây vất vả nhất, mặc dù vậy trong dịp tết đến cũng như bao người dân trên tổ quốc thì miền Trung cũng háo hức chuẩn bị các món ăn ngon đón ngày Tết sắp đến. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các món ăn cổ truyền có trong ngày tết ở miền Trung.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung

Bánh tét

Món ăn truyền thống trong ngày tết ở miền trung là bánh tét, một món bánh trang trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Bánh tét có màu xanh thẫm với mùi hương của nếp cái, bánh được gói như bánh chưng ngoài bắc nhân bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh sau đó gói bằng lá chuối xanh với hình trụ dài. Những lát bánh tét có phần vỏ săn chắc, nhân đậu xanh, thịt mỡ luôn có mặt trong các bữa ăn ngày Tết của người miền Trung.  Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản. Nhờ vào sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon thấm thía của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được chiên giòn lên ăn, rất ngon lành.
 

bánh tét

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Bánh tét

Nem chua

Nem chua một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Nem được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Những miếng nem có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay.

Nem vốn là một món nổi tiếng khắp cả nước ta với nhiều hương vị khác nhau tùy vào từng vùng miền. Vị nem ở miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Huế Thanh Hóa...thì chua và thường ăn kèm với tỏi sống, ớt và tiêu hột. Nem miền Nam, miền Tây Nam Bộ như nem Lai Vung rất nối tiếng, thì lại dai hơn và có vị ngọt như khẩu vị vốn yêu thích của người trong Nam. Nem nướng ở Hà Nội,Ninh Hòa thì lại như thịt nướng, nem được làm như chạo thịt rồi nướng và nă kèm bún, rau sống hoặc ăn không như một món ăn chơi.

Riêng với người miền Trung thì đây là món ăn truyền thống lâu đời, nổi tiếng nhất là những hàng nem ở phố cổ Đông Ba. Những buổi chiều đông ở thành phố thơ mộng này, được ngồi ngắm cảnh và thưởng thức những cây nem vừa chua lại cay nồng nơi phố cổ quả là một cái thù cho những ai yêu thích ẩm thực miền Trung. Nem ở Huế khi ăn cũng khác hẳn các vùng, nem ăn kèm với tỏi sống và chấm muối tiêu cho đậm đà. 

nem chua

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Nem chua

Giò bò tiêu sọ

Giò bò hay còn gọi là chả bò là món ăn đặc sản nổi tiếng của người miền Trung. Thịt bò xay mịn, đậm đà cả về hương vị lẫn màu sắc, những miếng giò săn chắc dai ngon được hòa quyện với vị cay của tiêu, vị thơm nồng của tỏi cùng một số gia vị khác đã tạo nên hương vị đặc trưng của Giò bò (chả bò). Chính những yếu tố đó đã tạo nên Giò bò (chả bò) một món ăn được ưa chuộng vào ngày tết.Với cách bảo quản dễ dàng và không tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị chỉ cần bỏ vào ngăn mát tủ lạnh nên nhà nào cũng có 1 – 2kg để sẵn mỗi khi có khách đến chúc tết là có thể sử dụng được ngay và uống cùng nhau chén rượu ly bia thì ngày tết càng thêm vui mặn nồng

giò bò tiêu sọ

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Giò bò tiêu sọ

Thịt lợn ngâm nước mắm

Thịt lợn ngâm nước mắm là một món ăn rất được yêu thích và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Món ăn này được chế biến từ thịt heo đem luộc chín, đường quấy với nước mắm. Để nguội các nguyên liệu rồi dùng hũ thủy tinh xếp thịt vào sau đó từ từ đổ nước mắm vào cho ngập miếng thịt , để khoảng 3 ngày thịt ngấm nước mắm là ăn được.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Thịt lợn ngâm nước mắm

Tôm chua

Khúc ruột miền Trung khô cằn sỏi đá nhưng vùng đất này cũng chính là nơi sản sinh ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Trong những ngày tết, nếu bạn đã quá ngán với những món ăn nhiều dầu mỡ thì tôm chua – món ngon ngày tết miền Trung sẽ là lựa chọn thú vị dành cho bạn. Món ăn có thể tìm thấy ở các siêu thị và nhiều vùng miền, song ngon trứ danh lại phải kể đến tôm chua xứ Huế. Mọi dịp lễ, Tết, người dân xứ Huế thường ăn tôm chua kèm cơm nóng, các loại gỏi cuốn hoặc chấm thịt heo luộc thái mỏng.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Tôm chua

Bò kho mật mía

Đây là một món ngon truyền thống ngày Tết của miền Trung xứ Nghệ. Có rất nhiều món ngon làm từ bắp bò như bắp bò ngâm mắm, bắp bò ngâm dấm ớt, bắp bò luộc ngũ vị, bắp bò kho mắm,... nhưng cầu kỳ nhất, thơm ngon và đặc biệt nhất là món bắp bò kho mật mía. Món này có quá nhiều gia vị, cái nào cũng thơm ngon ,cũng quan trọng, nhưng tại sao lại là bắp bò kho mật mía chứ không phải kho mắm, hay kho trà xanh (dù lá trà phải dùng rất nhiều)? Ấy là vì xứ Nghệ đất mía, mật mía thơm ngọt vô cùng, là thứ nguyên liệu vừa là gia vị, vừa là chất bảo quản tự nhiên giúp món ngon này có thể ăn hết cả mùa tết không ôi hỏng. Mùi vị mật mía trong món bắp bò kho này là nổi bật nhất, là một món thịt có bị ngọt đậm đà, cay xé lưỡi rồi đến tầng lớp mùi thơm của gia vị từ rừng. Món này mỗi nhà một cách làm, đơn giản nhất không thể thiếu mà mật mía và mắm ngon, kế đến là ớt gừng. Tất thảy gia vị còn lại như sả, tiêu, hồi, quế, thảo qả đinh hương, là gia vị bí truyền từng gia đình.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Bò kho mật mía

Dưa củ kiệu

Dưa kiệu là món không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung, thiếu nó bánh tét, bánh chưng không còn tròn vị. Vào tháng Chạp, củ kiệu bắt đầu theo những chiếc xe, thúng gánh đến với những phiên chợ cuối cùng trong năm. Muốn làm được dưa kiệu ngon, phải lựa kiệu sẻ vì tuy thời gian ngâm thấm hơi lâu nhưng bù lại sẽ giòn, ngon hơn. Kiệu sẻ là loại kiệu thân củ nở, phần đuôi nhỏ có thắt eo ở giữa, không nên chọn kiệu trâu vì thân to, tròn chứa nhiều nước, khi ngâm mềm, ăn không thơm. Sau khi mua về, cắt lấy củ, bỏ lá ngâm nước tro bếp chừng hai đêm để loại bớt vị hăng rồi vớt ra rửa sạch. Cà rốt, củ cải, đu đủ sống, khổ qua,… được gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi hoặc tỉa hoa tùy thích để gia tăng thêm màu sắc và mùi vị cho dưa kiệu. Sơ chế xong sẽ xếp ra mẹt đem phơi. Thời gian phơi cần chú ý, lâu quá củ sẽ bị héo, khi ăn rất dai, còn chưa đủ nắng, củ sẽ bị nhũn và nhanh hư. Khi kiệu khô, tiếp tục cắt bỏ râu kiệu, lột lớp vỏ lụa bên ngoài. Sau khi hoàn thành xong nguyên liệu là đến giai đoạn pha nước ngâm dưa. Nếu muốn ăn ngay thì ngâm kiệu trong hỗn hợp nước mắm, nước sạch, đường đun sôi còn muốn để dành ăn dần dần thì chỉ cần dấm, đường, muối, hòa tan trên bếp. Khi xếp kiệu, cà rốt, củ cải…vào hũ, có thể cho thêm vài trái ớt khô để tăng vị. Chỉ cần nhìn hũ dưa kiệu, ta có thể cảm nhận thấy Tết đang về trong mỗi ngóc ngách tâm hồn.

 

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Dưa củ kiệu

Bánh tổ

Bánh Tổ là món bánh truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp tết đến xuân về của người miền Trung. Từng chiếc bánh được gói trong lá chuối nên mang đậm hương vị dân dã, bánh vừa dẻo, thơm ngọt cay cay vị gừng. Nếu bạn từng được nếm thử thực sự sẽ rất khó quên. 

Với người dân xứ Quảng Nam, bánh tổ là loại bánh của ngày Tết. Những ngày đầu năm, trên bàn thờ gia tiên của người dân ở đây không thể thiếu loại bánh này. Truyền thuyết kể rằng loại bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ.

Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào trong khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết miền Trung – Bánh tổ

Trên đây là một số món ăn có trong mâm cỗ ngày tết miền Trung, tất cả các món ăn là đặc sản của vùng miền nơi đây tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ẩm thực Việt.

Nguồn Internet Tổng hợp

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Trong ngày: 682
  • Hôm qua: 330
  • Tổng truy cập: 1405444
  • Truy cập nhiều nhất: 89379
  • Ngày nhiều nhất: 17.10.2023